Năm 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế nói chung và thị trường nhà đất nói riêng. Tuy nhiên, đây chính là giai đoạn "thử lửa" để tạo ra các "kháng thể" giúp thị trường bất động sản năm 2022 có thể sớm phục hồi và phục hồi mạnh mẽ hơn.
Chia sẻ tại Hội nghị bất động sản Việt Nam - VRES 2021, Phó Tổng giám đốc batdongsan.com.vn, ông Nguyễn Quốc Anh nhận định, vaccine chính là "kháng thể" cho thị trường trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp địa ốc. Theo ông Quốc Anh, có 3 loại "kháng thể" quan trọng để các doanh nghiệp chủ động thích ứng với đại dịch, qua đó giúp thị trường vượt qua khó khăn và phát triển hơn trong thời gian tới.
Kháng thể thứ nhất là phải tạo được tâm lý yên tâm cho đội ngũ nhân viên. Sales bất động sản phần lớn có tuổi đời còn rất trẻ, chưa trải qua nhiều biến cố của thị trường. Do đó, các đợt dịch vừa qua là giai đoạn thử thách để tạo ra "kháng thể" tốt hơn.
Kháng thể thứ hai là sự phản ứng linh hoạt với thị trường. Ông Quốc Anh đánh giá, hầu hết các doanh nghiệp trong hai đợt dịch đầu đều tỏ ra lúng túng và chờ đợi phương án duy nhất là vaccine, thì từ đợt dịch thứ ba đến nay, phản ứng của doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến, thay đổi tích cực hơn.
Kháng thể thứ ba là doanh nghiệp địa ốc đã ứng dụng nhiều hơn về chuyển đổi số, công nghệ nhằm tạo lợi nhuận cạnh tranh. Có đến hơn 90% doanh nghiệp đã mở bán online các dự án bất động sản, nhất là ở khu vực phía Nam.
Cùng quan điểm, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, bà Dương Thùy Dung cho rằng, đã có rất nhiều "kháng thể" đã được tạo ra cho thị trường bất động sản Việt Nam. Trong 11 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp đã tự thích ứng linh hoạt với xu thế bình thường mới, thay đổi chiến thuật kinh doanh một cách hiệu quả. Trong đại dịch, doanh nghiệp vẫn vận đồng ngầm để bung "hàng" khi thị trường mở cửa trở lại và được khách hàng đón nhận nhanh chóng.
Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho biết thêm, thị trường bất động sản hiện có bốn "kháng thể" quan trọng. Thứ nhất là các chính sách của Đảng, Nhà nước và Quốc hội như Nghị quyết số 128-NQ/CP ngày 11/10/2021, một số gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong đại dịch.
Thứ hai, bản thân các doanh nghiệp đã chủ động đổi mới sáng tạo, thay đổi chiến lược kinh doanh, bán hàng trực tuyến, tạo môi trường làm việc từ xa cho người lao động. Thứ ba, các doanh nghiệp cũng đã tham gia, gắn kết vào chuỗi giá trị để vượt qua khó khăn. Đây là những kháng thể tạo xung lực cho thị trường bất động sản năm 2022 phục hồi mạnh mẽ hơn.
Tại VRES 2021, Tiến sĩ Cấn Văn Lực chia sẻ, giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã qua, do đó trong năm 2022 khi các hoạt động kinh tế được phục hồi trở lại, bức tranh thị trường địa ốc sẽ có nhiều điểm lạc quan hơn.
Chuyên gia này cho biết, với tỷ lệ phủ vaccine ngày càng cao, lạm phát được kiểm soát tốt thì tăng trưởng kinh tế có thể đạt từ 6 - 6,6%, thậm chí cao hơn. Cùng với đó, chiến lược phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 đang hoàn thiện; pháp lý dự án đã và đang được tháo gỡ; cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh đầu tư với hàng loạt dự án đầu tư công; tốc độ đô thị hóa gia tăng, thị trường BĐS Việt Nam càng có thêm nhiều lực đẩy để phát triển tích cực hơn.
Năm 2021, thị trường nhà đất tuy chịu nhiều tác động nặng nề bởi dịch bệnh nhưng giá bất động sản hầu như không giảm, thậm chí giá nhà nhiều nơi còn tăng 5 - 9%, tùy địa bàn. Giá thuê bất động sản khu công nghiệp tăng 3 - 18%, tùy địa phương
Nguồn vốn cho bất động sản vẫn rất dồi dào, tính đến hết quý 3/2021, nguồn vốn tín dụng bất động sản tăng khoảng 6% so với thời điểm cuối năm 2020. Tổng dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 19% tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong đó, cho vay nhà ở chiếm 64%, còn lại là tín dụng kinh doanh bất động sản.
Tính đến hết tháng 11/2021, lĩnh vực bất động sản đứng thứ 3 về thu hút vốn FDI với tổng vốn đăng ký mới đạt xấp xỉ 2 tỷ USD (chiếm khoảng 11%). Riêng góp vốn, mua cổ phần đạt 983 triệu USD (chiếm 22,4%).
Về phát hành trái phiếu, tính đến hết tháng 11/2021, toàn thị trường phát hành 436 nghìn tỷ đồng; trong đó doanh nghiệp bất động sản xếp thứ nhất (chiếm 45%), theo sau là nhóm ngân hàng (chiếm 30%).
Đặc biệt, Chính phủ và Quốc hội đang họp bàn để thống nhất gói tín dụng khoảng 60.000 - 65.000 tỷ đồng phát triển nhà ở, với mức lãi suất tương đối ưu đãi, có thể thấp hơn thị trường hiện nay khoảng 3-4%. Đây được xem là cú huých rất tốt cho thị trường phát triển.
Ông Lực cho rằng, với những yếu tố vĩ mô và vi mô nêu trên sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi tốt hơn trong giai đoạn 2022 - 2023.
Cũng trong khuôn khổ VRES 21, Phó Tổng giám đốc batdongsan.com.vn, ông Nguyễn Quốc Anh thông tin, kết quả cuộc khảo sát về nhu cầu nhà ở được tiến hành với người dùng của chuyên trang mới đây cho thấy, hơn 92% khách hàng cho biết họ có nhu cầu tìm mua bất động sản trong tương lai; 77% khách hàng có nhu cầu sở hữu thêm hơn một loại hình bất động sản để ở và đầu tư, 44% khách hàng tham gia khảo sát cho biết có kế hoạch sẽ mua bất động sản trong 1 - 2 năm tới.
Như vậy, nhu cầu về sở hữu nhà đất của người dân vẫn rất lớn và đây là tiềm năng để thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng. Trong năm 2022, phân khúc chung cư và nhà liền thổ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo về sức mua,
Ông Quốc Anh nhận định: "Dòng tiền chảy vào bất động sản nhiều khả năng sẽ tăng mạnh hơn cả thời điểm trước dịch và có xu hướng đổ về những khu vực có sự phát triển về hạ tầng và đầu tư công mạnh. Nguồn cung mới và sức mua trong thời gian này về cơ bản sẽ tích cực hơn trước đó, không chỉ ở TP.HCM, Hà Nội mà cả các địa phương lân cận khác.".
Chuyên gia này cho biết thêm: "Trong khoảng 5 - 10 năm tới, việc chứng khoán hóa bất động sản (chia nhỏ bất động sản để huy động vốn) thông qua các quỹ đầu tư sẽ được quan tâm. Ngoài ra, còn một xu hướng nữa liên quan đến việc phát triển các đồng tiền kỹ thuật số để ứng dụng trong lĩnh vực bất động sản. Đây sẽ là những kênh để doanh nghiệp huy động thêm vốn"..
Lam Giang (TH)
>> Xu hướng phát triển của bất động sản công nghiệp năm 2022
>> Năm 2022, giá nhà tại TP.HCM có thể tăng 7%